Một số lưu ý khi cấp đơn bảo hiểm trách nhiệm

Thứ nhất là các thông tin về rủi ro chủ quan từ phía người yêu cầu bảo hiểm, có nghĩa là về trình độ bằng cấp chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm và có thể cả khả năng chuyên môn trong một số lĩnh vực nhất định.

Thứ hai là các thông tin về quy mô văn phòng của Người yêu cầu bảo hiểm vì nó không chỉ liên quan đến quy mô rủi ro, mà còn là cơ sở trực tiếp cho việc tính phí. Quy mô này thể hiện ở các loại công việc mà Người yêu cầu bảo hiểm thực hiện, số lượng các chuyên gia, nhân viên. Nếu các hoạt động được bảo hiểm được thực hiện dưới hình thức liên doanh, nhà bảo hiểm phải biết được số lượng đối tác trong nhóm đó, trách nhiệm cá nhân của họ, các thoả thuận trách nhiệm ký kết trong nhóm, xem trong trường hợp tổn thất, việc phân chia công việc có thể xác định được nguyên nhân tổn thất là do một thành viên cụ thể của nhóm hay không. Điều quan trọng là NBH cũng phải biết được nó để phục vụ cho đánh giá rủi ro, trên cơ sở đó có thể giải quyết một cách thực tế và hợp pháp trong trường hợp trách nhiệm chung.

Thứ ba là "lịch sử" của khách hàng.

Thứ tư là các giới hạn địa lý, phải xem xét xem Người yêu cầu bảo hiểm hoạt động có tính quốc tế hay không, có nghĩa là thực hiện việc thiết kế và/hoặc giám sát xây dựng cho các dự án nằm ở các nước khác hay không. Trong trường hợp có, NBH phải kiểm tra xem phạm vi bảo hiểm mở rộng ra tới những nước nào, vì phạm vi bảo hiểm thông thường chỉ giới hạn đối với các rủi ro trong nước. Một điều khoản pháp lý, nếu là một phần của Đơn bảo hiểm, phải được sửa lại cho hợp lý để đảm bảo rằng NĐBH được bảo hiểm một cách đầy đủ nếu bị chủ đầu tư ở đất nước X kiện ra toà án nước đó vì lỗi thiết kế và/hoặc lỗi giám sát. ý nghĩa của yếu tố này phải được phân tích cẩn thận trong từng trường hợp cụ thể để tính thêm phụ phí tương ứng. Điều này có nghĩa là mở rộng bảo hiểm này chỉ nên áp dụng riêng rẽ tuỳ trường hợp cụ thể chứ không áp dụng đại trà, trừ khi bản thân điều khoản mở rộng đó thiết kế riêng cho NĐBH hầu hết làm các dịch vụ ở nước ngoài, vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả hai bên trong việc quản lý.

Thứ năm là trong BHTNNN KTS & KSTV, sự độc lập của người thiết kế có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các hoạt động của mình, anh ta phải phản ánh được các quyền lợi của chủ đầu tư ở mức độ cao nhất mà không bị ảnh hưởng bởi việc tham gia vào các lợi ích cung cấp trong các quyết định về những việc như nên chọn hình thức xây dựng nào, nên sử dụng vật liệu nào, hoặc nên sử dụng nhà thầu nào thực hiện các công việc. Vì thế, nếu NĐBH là chủ dự án hoặc nhà thầu chính hay người đầu tư tiền vào công ty xây dựng công trình đó, nghĩa là sẽ không còn chỉ chịu trách nhiệm thiết kế và/hoặc giám sát mà còn lắp đặt toàn bộ công trình xây dựng. Hậu quả có thể là trong trường hợp phát sinh khiếu nại, NBH không xác định được nguyên nhân của thiệt hại là do công tác xây dựng (do trình độ kém của nhà thầu, sử dụng vật liệu xây dựng không phù hợp hoặc có khuyết tật) hay do những sai sót trong thiết kế và/hoặc trong giám sát. Tuy nhiên, trình độ kém hay tương tự thế không thể là đối tượng bảo hiểm của Đơn BHTNNN KTS & KSTV. Do đó, nếu KTS hoặc KSTV không chỉ chịu trách nhiệm về việc thiết kế và giám sát mà còn các công việc xây dựng thì không nên cấp Đơn bảo hiểm cho họ.

Đối với các Đơn bảo hiểm theo năm, NBH cần những thông tin như số lượng các đối tác tham gia và số lượng nhân công, thu nhập bình quân hàng năm từ các khoản phí, lương hàng năm thanh toán cho nhân viên, các chi phí khác trả cho người làm thuê và phạm vi hoạt động của các KTS/KSTV bằng cách xem xét danh sách các dự án thông thường và lớn nhất do người yêu cầu bảo hiểm thực hiện.

Đối với bảo hiểm theo dự án, NBH cần thông tin tổng thể về dự án cần được bảo hiểm, bao gồm các văn bản về hợp đồng xây dựng và kế hoạch thể hiện chi tiết của loại dự án, mục đích và việc xây dựng dự án. Đương nhiên NBH phải biết ai là chủ đầu tư, chi phí xây dựng là bao nhiêu và các loại phí phải trả cho NĐBH là bao nhiêu